XÃ THƯỢNG SƠN 70 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (12/12/1953 – 12/12/2023)
Thượng Sơn là xã bán sơn địa, nằm ở phía Đông Nam huyện Đô Lương, cách trung tâm kinh tế, chính trị huyện 13 km, với tổng diện tích tự nhiên: 1.578,4 ha, xã có 2.534 hộ với 8.999 nhân khẩu. Đảng bộ có 12 chi bộ trực thuộc với 342 đảng viên.
Mảnh đất Thượng Sơn ngày xưa gọi là làng Văn Lâm, thuộc tổng Bạch Hà, phủ Anh Sơn. Theo gia phả của các dòng họ ở làng Văn Lâm có từ đầu thời kỳ Lê Nhân Tông (năm 1450) hiệu Thái Hoà thì họ Trần là họ đầu tiên, sau đó các dòng họ khác như họ Hồ, họ Nguyễn Tất, họ Nguyễn Văn, họ Lê… cùng hội tụ về đây tạo nên cư dân làng Văn Lâm.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, cấp phủ, tổng, làng bị bãi bỏ, nhà nước chủ trương thành lập xã Kỳ Anh gồm: làng Văn Lâm, làng Hà Kỳ, làng Chi Phương, làng Long Thái. Làng Văn Lâm được chia thành 4 xóm: Xóm Nam, xóm Trung, xóm Thượng, xóm Hậu. Đến tháng 3 năm 1948, xã Văn Hiến được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 xã: Đồng Lạc, Kỳ Anh và Thanh Hoà.
Cách đây 70 năm, theo Quyết định của Hội đồng bộ trưởng, ngày 12/12/1953, xã Văn Hiến được chia tác thành 4 xã (gồm xã Thái Sơn, xã Quang Sơn, xã Thượng Sơn và xã Hiến Sơn), tên xã Thượng Sơn có từ ngày đó.
Sau khi được tách lập xã, ngày 26/12/1953, Đại hội chi bộ xã Thượng Sơn lần thứ nhất được tổ chức tại nhà thờ họ Lê Thế với sự tham gia của 96 đảng viên, đồng chí Nguyễn Công Mịa được bầu làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Công Ơn làm phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban hành chính xã. Chi bộ đảng ra đời là bước ngoặt trọng đại với cách mạng địa phương lúc bấy giờ để lãnh đạo Nhân dân thực hiện sự nghiệp cách mạng mà Đảng, bác Hồ đã lựa chọn.
Vừa khởi đầu thiết lập một đơn vị hành chính cấp xã, cán bộ, đảng viên, Nhân dân xã Thượng Sơn phải đối mặt muôn vài khó khăn, cơ sở vật chất hạ tầng còn hạn chế, phải gồng mình khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh và chế độ phong kiến cũng như của thiên tai để lại, vừa tập trung phục vụ cho kháng chiến. Bước đầu việc điều hành còn nhiều bị động, lúng túng, nhưng với sự nỗ lực, phấn đấu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là tinh thần đoàn kết một lòng của Nhân dân nên đã tiến hành xây dựng chỉnh trang và đổi mới quê hương. Thực hiện khẩu hiệu “Toàn dân học tập xóa mù chữ”, “Tập trung khai hoang phục hóa”, “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, nhân dân Thượng Sơn đã tiến hành khai hoang phục hóa hàng chục hetta đất vùng đồi, vùng trũng; bờ vùng, bờ thửa được cải tạo; một số công trình hồ đập đưa vào sử dụng như hồ Cừa Làng, hồ Cồn Chiếng, hồ Rú Thần...vv, từ đó năng suất lúa ngày một tăng cao, đời sống người dân từng bước được cải thiện.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đáp lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Thượng Sơn đã phát huy cao độ, tích cực lao động sản xuất, hàng chục người tham gia dân công tiếp vận, cung cấp hàng chục tấn lương thực cho tiền tuyến, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Sau năm 1954, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, đã lãnh đạo chính quyền và nhân dân thực hiện kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa. Đến năm 1960, với phong trào ba ngọn cờ hồng, xã Thượng Sơn đã xây dựng và phát triển 3 loại hình hợp tác xã, đó là hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã mua bán và hợp tác xã tín dụng đi vào hoạt động có hiệu quả.
Từ năm 1960 đến năm 1975, Đảng bộ xã Thượng Sơn lãnh đạo nhân dân vừa kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vừa sản xuất phát triển kinh tế. Với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Kết quả đã có hàng ngàn con em Thượng Sơn tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên mọi mặt trận; chi viện hàng trăm tấn lương thực thực phẩm cho chiến trường. Đặc biệt, trong giai đoạn này, nhân dân Thượng Sơn đã tiếp nhận, che chở cho cơ quan Tỉnh ủy và đoàn Hải Vân thuộc tỉnh đội Nghệ An sơ tán đến hoạt động trên địa bàn xã được tuyệt đối bí mật và an toàn
Sau giải phóng miền Nam (30/4/1975), vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, san lấp hố bom, xã Thượng Sơn bước vào xây dựng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện nước nhà hòa bình và thống nhất. Lãnh đạo thực hiện các cơ chế quản lý sản xuất mới trong nông nghiệp, đa dạng hóa hình thức kinh doanh
Giai đoạn 1986 đến năm 2000, tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội, trong thời kỳ cả nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong thời kỳ này, nông nghiệp vẫn được xác định là ngành chính của Thượng Sơn, bởi vậy Đảng bộ, chính quyền đã có chủ trương tăng cường cải tạo ruộng đất, ra quân làm giao thông thủy lợi, nạo vét mương máng, tu sửa hồ đập. Ngoài ra xã còn tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa những giống cây có giá trị cao vào canh tác, tăng giá trị thu nhập
Trongcuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc, Thượng Sơn đã có 143 người con hi sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; 8 bà mẹ Việt Nam anh hùng; hàng trăm người là thương binh, bệnh binh, bị địch bắt tù đày, nạn nhân chất độc da cam đioxin.. Những hi sinh mất mát, sự cống hiến to lớn đó, đã góp phần quan trọng để cùng với nhân dân cả nước hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đưa non sông thu về một mối, cùng cả nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội.
Phát huy truyền thống tốt đẹp và những kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, những năm trở lại đây với định hướng, mục tiêu phát triển cụ thể, tầm nhìn chiến lược, Đảng bộ, chính quyền xã đã lãnh đạo nhân dân khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên, văn hóa, con người để tạo động lực cho sự phát triển bền vững, góp phần xây dựng quê hương ngày càng khang trang giàu mạnh, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015, là một trong những xã thuộc tốp đầu của huyện trong xây dựng Nông thôn mới.
Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ xã đã xây dựng các chương trình, kế hoạch; triển khai thực hiện các mục tiêu nghị quyết đại hội đề ra, trên cơ sở phát huy tốt các điều kiện tiềm năng sẵn có của địa phương; kết hợp với các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài.
Tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ tăng. Năm 2023 tổng thu nhập toàn xã ước đạt 507 tỷ đồng, thu nhập bình quân 56,3 triệu đồng/người.
Tỷ lệ đường làng, ngõ xóm trên địa bàn xã được nhựa hóa, bê tông hóa 100%. Nhiều trục đường được trồng hoa, cây xanh, cây bóng mát tạo diện mạo mới và tiền đề để sớm đạt xã Nông thôn mới nâng cao
Các ngành nghề thương mại dịch vụ phát triển mạnh, toàn xã có 23 công ty, doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả; 334 hộ sản xuất kinh doanh; 62 cơ sở kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách; 89 tổ thợ xây dựng. Đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 1.500 lao động của địa phương.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá ngày càng được đẩy mạnh. Hiện nay có 93,6% gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 100% khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hóa. Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển, tạo không khí vui tươi, phấn khởi thực sự là món ăn tinh thần của người dân. Công tác đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm được quan tâm chăm lo, thường xuyên thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, người có công với cách mạng và các đối tượng được bảo trợ xã hội.Hiện nay tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,62%.
Công tác giáo dục luôn quan tâm đầu tư, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn ngày càng được nâng lên, hàng năm đều được xếp tốp đầu của cả huyện. Cả 3 cấp học đều đạt trường chuẩn quốc gia, trong đó trường Tiểu học và trường Mầm non đạt chuẩn mức độ 2. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ. Môi trường được đảm bảo, xây dựng thành công nhiều tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp; đoạn đường bích họa.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã luôn được đảm bảo, triển khai thực hiện tốt phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc. Hàng năm xã đều hoàn thành công tác khám tuyên và giao quân; quan tâm làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, chăm lo. Vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên được phát huy, sự đồng thuận và khối đoàn kết toàn dân ngày càng được nâng cao. Khi thành lập xã chỉ có 96 đảng viên, đến nay Đảng bộ xã đã có 342 đảng viên, sinh hoạt ở 12 chi bộ. Đảng bộ xã thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của đảng theo hướng sát với điều kiện thực tiễn của địa phương, gắn với việc thực hiện chỉ thị 05 CT/TW của bộ chính trị về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chủ từng năm đề năm, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
|
Với những thành tích rất đáng tự hào, Đảng bộ, nhân dân xã Thượng Sơn đã được Đảng, nhà nước, các cấp, các ngành ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, tiêu biểu như danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1996), Huân chương lao động hạng ba (năm 1997). Trong thành tích chung đó luôn có sự quan tâm lãnh đạo giúp đỡ của tỉnh, huyện đối với xã Thượng Sơn trong quá trình đấu tranh cách mạng trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương ngày nay. Đặc biệt là công sức đóng góp của toàn Đảng bộ, nhân dân, sự cống hiến của các mẹ anh hùng, các liệt sỹ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng. Những kết quả, thành tích đã đạt được là niềm tự hào, nguồn cổ vũ động viên to lớn và là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thượng Sơn tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong những năm tới; quyết tâm thực hiện đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đã để ra.
Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, trải qua 13 kỳ đại hội chi bộ, đảng bộ. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thượng sơn càng thêm trân trọng truyền thống tốt đẹp của quê hương. Đây là hành trang quý báu, niềm tự hào để thế hệ trẻ hôm nay chung sức viết tiếp trang sử vẻ vang, hào hùng của các thế hệ cán bộ, nhân dân Thượng Sơn đã dày công xây dựng và phát triển; quyết tâm xây dựng quê hương Thượng Sơn ngày càng phát triển giàu mạnh, toàn diện, xây dựng thành công xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023, phấn đấu sớm trở thành thị trấn trước năm 2030.